17/11/16

Băng rừng Tà Năng và những kinh nghiệm ngày mưa

Chuyến đi 2 ngày 1 đêm cũng đủ để mình tìm hiểu, học hỏi, quan sát và tích lũy một số kinh nghiệm chia sẻ với mọi người.
Đừng xem thường cơn mưa rừng những ngày cuối tháng 7, dầm mưa và ướt lạnh sẽ hạ gục bạn trong chốc lát thôi, cái cảm giác ớn lạnh, chân tay bủn rủn và hắc hơi liên tục không giúp bạn mạnh mẽ hơn đâu.
May mắn vì đã chinh phục thành công Tà Năng Phan Dũng cả những ngày nắng đổ lửa tháng 4 và những ngày mưa dầm tháng 7. Chuyến đi 2 ngày 1 đêm cũng đủ để mình tìm hiểu, học hỏi, quan sát và tích lũy một số kinh nghiệm chia sẻ với mọi người, vì thế các bạn hãy chuẩn bị tinh thần, thể lực và hành trang thật kỹ trước khi lên đường nhé.
Dầm mưa bằng rừng ướt lạnh và những nụ cười trên môi.

1. Chuẩn bị cần thiết

Ba lô

- Tốt nhất là những loại ba lô chống nước, nhiều ngăn, có đai ngực và đai hông chắc chắn trợ lực, dây đai đa tác đụng để buộc treo đồ, mặt lưng ba lô có đệm dày thoáng khí thoát mồ hôi và tránh đau lưng khi mang vác nặng, kèm theo áo mưa bao ba lô.
- Dù ba lô chống nước hoặc bảo vệ tốt thế nào đi nữa thì cũng nên đem theo vài túi nilon to nhỏ để bảo quản các vật dụng quan trọng không bị ướt: đồ điện tử, túi ngủ, quần áo mặc lúc ngủ, áo lạnh, pin dự phòng,... và để đựng đồ ướt dơ.
4 anh em GAO xanh hiên ngang giữa rừng già.

Mũ tai bèo và khăn rằn

- Mũ tai bèo và khăn rằn là những vật dụng cần thiết và đa năng với nhiều loại hình thời tiết khác nhau: che nắng, giữ ấm, tránh mưa tạt vào mặt, bảo vệ đầu khỏi côn trùng, cành cây đâm phải, ...
Lão lão khăn rằn tung tăng trong nắng.

Quần áo

- Đi rừng ko nên mặc áo ngắn tay quần short, mà nên mặc quần dài, áo dài tay để chống côn trùng cắn. Tiêu chí gọn nhẹ và đủ dùng cho 2 ngày 1 đêm, quan trọng là lội rừng ban ngày có bẩn có ướt như chuột thế nào cũng được, nhưng tối ngủ bắt buộc phải mặc một bộ thật khô và sạch. Ban đêm trên đồi trọc sương lạnh gió lùa, cho nên các bạn phải có bộ đồ ngủ giữ ấm thật khô, sạch và được đựng trong túi nilon chống nước nhé.
- Quần áo lót, tất chân: một số người khuyên nên đem nhiều để còn thay khi ướt, quần áo ngoài có thể ướt còn quần áo lót thì không thể để ướt được. Cái này mình thấy cũng không hẳn vậy, thực tế có những lúc mưa suốt, người lúc nào cũng nhớp nháp vì mưa và mồ hôi cả. Cứ thế để đến cuối ngày rửa mặt vệ sinh cơ thể một lần rồi thay đồ mới.
Áo đỏ sao vàng nổi bật giữa nền cỏ xanh.

Giày dép

- Mang giày giúp ổn định cổ chân, phòng chống côn trùng cắn, chống trầy xước do va quệt gai và cây nhọn. Dẫu biết rằng di chuyển trong rừng mà mang dép là điều tuyệt đối không nên nhưng trời mưa đường bùn lầy trơn trượt và ngập nước, có những đoạn phải lội qua suối, nếu không muốn dồn hết tâm trí vào đôi giày thì hãy để ở nhà và trang bị cho mình một đôi sandal (hoặc giày rọ) chắc chắn và bám đường.

Áo mưa cá nhân

- Khuyến khích các bạn chọn áo mưa cánh dơi dã chiến gọn nhẹ nhanh khô, tháo ra và mặc vào một cách dễ dàng. Ngoài ra có thể che được cho ba lô, làm tấm trải, tấm che mưa trên lều. Để ngăn ngoài cùng ba lô, khi cần có thể lấy thật nhanh.
Lưu ý: không nên mang theo và dùng áo mưa tiện lợi, vì nó quá mỏng và sẽ rách tơi tả sau vài phút lội rừng
Để rồi xem, sẽ rách tơi tả vài phút nữa thôi.

First Aid - Túi cứu thương

» Bông băng, cao dán salonpad, thuốc giảm đau, cầm máu, khử trùng, kéo nhíp
» Thuốc cảm cúm, sốt rét, đi ngoài
» Thuốc bôi côn trùng cắn, kem chống muỗi
Đóng gói và mang theo túi cứu thương những lúc dùng đến.

Bản đồ và thiết bị định vị

- Thu thập tọa độ của những nhóm đi trước chia sẻ trên mạng, sau đó lưu sẵn vào bản đồ offline khu vực Tà Năng Phan Dũng đã khoanh vùng trên Google Maps. Một con smartphone đầy pin là thõa sức với việc định hướng, phán đoán, tìm đường chính xác.

Vật dụng khác

» Đèn pin chiếu sáng ban đêm, pin dự phòng
» Mang theo viên C sủi dùng trong lúc mệt, những viên socola hàm lượng đường cao, nước revive bổ sung khoáng chất, nước chanh đường cực kỳ hiệu quả trong việc chống khát và tăng cường vitamin.
» Bộ dụng cụ sinh tồn
» Bật lửa

2. Trên đường Tà Năng

Những địa điểm dừng chân

- Thời gian di chuyển trong rừng là từ 7h sáng đến 4h chiều, do đó phải căn thời gian đến đích và chỗ nghỉ qua đêm hợp lý. Trước khi trời tối phải lựa chọn được địa điểm cắm trại, ổn định chỗ ngủ và tìm củi khô nhóm lửa.
- Bữa sáng phải ăn thật no vì bữa này quan trọng cung cấp năng lượng cho cả ngày. Hàng quán gần chợ Đà Loan không nhiều, nhưng chắc có lẽ vô tình nổi tiếng nhất là "Phở Cường Nhảy", bát phở bò to vừa 2 người ăn nghi ngút khói kích thích vị giác như trêu đùa những cái bao tử âm ỉ kêu la sau một đêm dài.
Ngôi nhà hoa giấy, địa điểm yêu thích trên đường Tà Năng.
- Băng qua ruộng lúa, rừng thông, nhà hoa giấy, lội suối, vượt 2 con dốc cao và cuối cùng là vượt qua con dốc cao chót vót, đồi trọc đầu tiên hiện ra và không đâu tuyệt vời hơn là vừa ăn trưa vừa ngắm đoàn Honda Win vất vả lên đồi
Vừa ăn trưa vừa ngắm đoàn Honda Win vất vả lên đồi.
- Đồi trọc cuối cùng bằng phẳng, thông thoáng ít tán cây che và bụi rậm, chỉ có 2 cây thông đứng sừng sửng giữa trời, tầm nhìn panorama. Hãy dừng chân nhóm lửa nấu ăn, hạ trại ngủ lều. Sáng hôm sau thức dậy, chạy lên đỉnh đồi cách đó vài bước chân và bạn phải thốt lên rằng: Trời ơi, đẹp quá.
Tầm nhìn toàn cảnh tha hồ phóng tầm mắt.

Chiếc gậy Tà Năng

- Khi đi trong rừng cần dẫm chân chắc chắn để tránh trơn trượt. Vót một đoạn trúc vừa tay làm “chiếc gậy Tà Năng”, vô cùng quan trọng nhé, tạo sự chắc chắn khi di chuyển và nó sẽ cứu bạn những lúc trượt chân đấy.

Chuột rút

- Phải định lượng và phân bố sức lực khi leo dốc băng đồi: chậm rãi, bước đều chân, giữ nhịp thở. Dốc dài mà leo nhanh thì sẽ rất mau chóng mệt, rã chân và không qua nổi dốc nếu không nghỉ nửa chừng lấy sức, thậm chí có thể không đủ sức để leo những dốc tiếp theo vì cơ thể đã quá tải, và dù nếu có leo nổi thì sẽ mệt hơn người leo đều đặn.
- Khi bị chuột rút nên ngồi xuống và duỗi thẳng chân, dùng hai tay ép mạnh bàn chân về phía người, giữ nguyên 3 phút rồi thả ra rồi làm lại, kết hợp xoa bóp bắp chân vuốt xuôi theo chiều từ trên xuống dưới gót chân, xoa bóp gang bàn chân.
Ai đó sung sướng vì bắt được con ếch thật to.

Nhóm lửa

- Mang theo một ít cồn hoặc ruột xe làm bùi nhùi cho dễ nhóm bếp. Những ngày mưa dài củi khô mục thì cũng quá ẩm ướt, hãy chọn những cây tươi thân lá nhỏ tuy khó cháy nhưng cháy rất đượm và cực kì lâu. Giữ một đống lửa qua đêm bằng cách cho 2-3 thanh củi to cháy ngầm bên dưới, nó giúp giữ ấm, xua đuổi những côn trùng hút máu đến gần, và sáng hôm sau đỡ tốn công nhóm bếp nấu nước sôi pha mì và cafe.
Củi ướt không ngăn được anh ấy nhóm lửa thổi cơm.

Gỗ thông

- Dù ở trong độ ẩm của rừng hay bị làm ướt, bị dính mưa, hay nhúng chúng xuống nước nhưng chỉ cần lắc lắc, làm cho những que củi khô là chúng ta có thể làm bùi nhùi nhóm bếp được bởi vì chúng chứa nhiều nhựa dễ cháy.

Hạ trại

- Rất khó kiếm được những địa hình bằng phẳng vừa với đáy lều để hạ trại, hãy tự biết cải tạo san bằng. Để tạo độ êm ấm của lều, bạn nên trải một lớp lá cây bên dưới đáy lều, lớp lá cây rất hữu ích khi mưa và giữ đáy lều sach sẽ. Đồi cao đón gió: đóng cọc chắc chắn và cột dây dù căng giữ lều. Nên đem theo tăng bạt để căng che mưa khu vực nấu ăn ngoài trời và khu ăn uống sinh hoạt chung.
Để rồi công sức leo đến ngọn đồi cuối cùng được đền đáp.

3. Về với Phan Dũng

Men theo những con suối

- Thảm thực vật mùa mưa xanh tươi dày đặc trong rừng thường làm chúng ta giới hạn tầm nhìn và mất phương hướng, đường mòn trong rừng nhiều đoạn mờ nhạt và có những lối rẽ lung tung, không rõ dấu và rất dễ bị lạc. Nếu thấy đi sai hoặc thấy có khả năng đã lạc, hãy quay trở lại điểm chắc chắn ban đầu. Tuy nhiên có một cách để về với văn minh đó chính là đi men theo những con sông, dòng suối. Suối ở Phan Dũng mùa mưa không phải là hiếm, hãy tận dụng yếu tố này để tìm kiếm lối thoát đúng đắn khỏi nơi núi rừng hoang dã.
Về với văn minh đó chính là đi men theo dòng suối.
- Địa hình rừng núi hiểm trở và các con suối cũng không ngoại lệ. Mặt nước phẳng lặng có thể đang che dấu phía dưới những phiến đá ngầm trơn trượt và đầy nguy hiểm.
- Mực nước ở các suối trong rừng rất không ổn định. Dòng nước hiền hòa róc rách trong phút chốc trở nên hung dữ, ngầu đục vì nó đang hứng hàng triệu khối nước lũ, cây cối, đất cát quét về từ đầu nguồn , dễ dàng cuốn bạn đi xa. Trong trường hợp này, bạn cần chú ý những động tĩnh bất thường từ khu rừng, sự thay đổi của dòng nước (độ đục, mực nước, tốc độ chảy…) để phán đoán chính xác tình hình và nhanh chóng rời khỏi dòng nước, tìm nơi lánh nạn trên cao là giải pháp sinh tồn cho bạn.
Mặt nước phẳng lặng đang che dấu phía dưới những phiến đá nguy hiểm.

Trở lại với rừng

- Nếu không men theo được những con suối, bắt buộc bạn phải quay trở lại đường rừng, và đương nhiên rừng già cũng đầy rẫy những mối nguy hiểm: những con rắn đang phì phì nọc độc, những loài động vật hút máu như vắt, muỗi, ong.
Trở lại với văn minh, chẳng ai nghĩ mình bị lạc.
- Sau mưa lũ rắn rất nhiều, đi trên đường cầm gậy xua đuổi. Nếu không may mắn bị rắn cắn thì việc đầu tiên phải bình tĩnh kiểm tra vết cắn, nếu có 2 dấu răng hoặc triệu chứng sốt cao, co giật thì chắc chắn là rắn độc (không phải tất cả nhưng hầu hết rắn độc là rắn loại nhỏ và rất nhỏ), yêu cầu hạn chế tối đa những cử động khiến máu độc về tim, rửa sạch vết thương và hạn chế uống nhiều nước
- Vết cắn tay chân chỉ garo khi bạn biết cách gara tĩnh mạch (là đường máu đưa về tim), còn không thì chỉ băng ép chặt chi bị cắn, nhanh chóng đưa nạn nhân đến trạm xá gần nhất (gặp trường hợp này thì mình chỉ biết cố gắng hết sức thôi).
- Những chỗ không garo được thì không có cách nào khác là dùng dao rạch đứt chỗ cắn cho rộng ra để máu chảy thoải mái tự do ra ngoài (giúp máu chảy ngược từ tim ra ngoài đẩy chất độc ra), tuyệt đối không dùng miệng hút máu độc nếu không bạn sẽ chết cùng nạn nhân. Khi nào chảy đến ngất thì băng bó lại, nhưng đừng để nạn nhân chết vì mất máu quá nhiều.
- Bất kỳ phần da hở nào như bàn tay, cổ, mặt và các phần quần áo như cổ áo, cổ tay áo đều bôi kem chống muỗi giúp cho côn trùng, muỗi không đốt khi di chuyển.
- Khi bị vắt cắn có thể dùng các biện pháp sau: lấy bật lửa đốt, dùng cao nóng bôi vào con vắt, dùng muối + ớt chấm vào nó.
Những điều lưu ý:
» Không vứt rác trên đường đi
» Chú ý việc đốt lửa tránh cháy rừng
» BVS & BCS đừng cố tình dùng sai mục đích, việc đó chẳng mang lại tác dụng to lớn nào đâu.
http://lekhakhtn.blogspot.com
http://lekhakhtn.blogspot.com

Từ một chàng nhân viên văn phòng suốt ngày cắm đầu vào máy tính, sau vài chuyến đi vật lộn đấu tranh sinh tồn cũng đã trưởng thành và tích lũy bản thân một số kinh nghiệm vô cùng quý giá. Blog "LEKHAKHTN.TOP - Tips for Phượt" là nơi chia sẻ những bí quyết phượt bổ ích được mình đúc kết lại qua những chuyến đi thực tế và tham khảo từ các bài viết trên internet.